10 xu hướng hành vi người tiêu dùng năm 2023
Trong bối cảnh thương mại và công nghệ thay đổi theo từng ngày, hành vi của người tiêu dùng cũng từ đó liên tục xoay chuyển như một bàn cờ vua. Nếu muốn doanh nghiệp của mình luôn chiếm tiên cơ trước đối thủ cạnh tranh, bạn luôn phải cập nhật cho mình và doanh nghiệp những “nước đi” mới.
Bên cạnh những xu hướng tiếp thị thì việc thấu hiểu hành vi khách hàng cũng là một trong những thành tố quan trọng nhất để thu hút khách hàng. Dưới đây, Ori Agency sẽ tổng hợp 10 xu hướng hành vi người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh và chiến lược tiếp thị trong nửa cuối năm 2023.
1. Thanh toán thuận tiện
Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn các tùy chọn thanh toán thuận tiện khi mua hàng. Một trong những tính năng được tới hơn 60% người dùng Mỹ đã sử dụng đó chính là “mua trước, trả sau”. Ngoài ra, thanh toán không tiếp xúc (Samsung pay / Apple Pay) và thanh toán bằng ví di động (Momo, Zalopay,…) cũng rất được yêu thích.
Nếu bạn muốn gia tăng doanh số bán hàng, bạn buộc phải sở hữu hệ thống thanh toán linh hoạt nhằm cho phép người mua lựa chọn hình thức thanh toán lý tưởng nhất cho bản thân. Đây còn được gọi là thanh toán “cá nhân hóa”. Điều này sẽ giúp tỉ lệ chuyển đổi cao hơn đáng kể vì sự thuận tiện mà nó mang lại.
2. Thương mại xã hội (Sale commerce) tiếp tục phát triển mạnh
TikTok shop đã khởi đầu cho phong trào mua sắm trực tiếp qua các kênh truyền thông xã hội. Hàng triệu người sử dụng các nền tảng như Tiktok, Facebook và Instagram mỗi ngày. Do đó, việc có thể ngay lập tức mua một món đồ mà bản thân cảm thấy hứng thú, bỏ qua bước chuyển sang các nền tảng khác (Landing page / Website / Sàn thương mại điện tử) như cách truyền thống gián tiếp khiến khách hàng ra quyết định nhanh hơn, từ đó thay đổi hành vi mua sắm của họ.
Deloitte Global dự đoán rằng thị trường thương mại xã hội sẽ đạt hơn 1 nghìn tỷ USD trên toàn cầu vào cuối năm 2023.
Ngoài ra, theo một báo cáo từ SmartInsights, nhu cầu về video và hình ảnh hiện đang vượt xa nhu cầu về bài đăng dạng văn bản và quảng cáo trên mạng xã hội. Người dùng có xu hướng yêu thích, sử dụng các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube và TikTok hơn các mạng xã hội khác. Do đó việc doanh nghiệp của bạn cung cấp các tùy chọn mua sắm trên các ứng dụng mạng xã hội giúp tăng cơ hội thúc đẩy doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, chiến lược này còn thúc đẩy một số lượng lớn khách hàng tương tác với thương hiệu thường xuyên.
3. Cá nhân hóa dữ liệu với Zero-party data
Google đã chính thức thông báo rằng họ sẽ loại bỏ cookie của các bên thứ ba (third-party cookies) khi người dùng sử dụng trình duyệt. Mặc dù, trên thực tế, công cụ tìm kiếm lớn nhất toàn cầu - Google - đã trì hoãn việc thực hiện thông báo trên, nhưng trong tương lai thì việc xóa bỏ trên là điều tránh khỏi.
Do đó, các doanh nghiệp cần có kế hoạch chuẩn bị cho một “thế giới không-có-cookie”. Và giải pháp tốt nhất ở thời điểm hiện tại chính là Zero-party data. Vậy Zero-party data là gì?
Dựa trên nhiều nguồn tài liệu, khác với cookie, Zero-party data là dữ liệu dạng zero, tức là dữ liệu mà khách hàng chủ động và cố ý chia sẻ với thương hiệu. Dữ liệu này có thể bao gồm mọi thông tin như tên tuổi, email, sở thích, mong muốn của từng khách hàng với thương hiệu,... Những yếu tố này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cá nhân hóa trải nghiệm mua hàng của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm, lo lắng cho sự riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân, Zero-party data chắc chắn sẽ là chìa khóa cho các chiến lược kinh doanh hay marketing tiếp theo của doanh nghiệp.
Trên thực tế, doanh nghiệp có thể thu thập loại dữ liệu này bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, bạn có thể gửi câu hỏi khảo sát nhanh ngay khi khách hàng truy cập vào website, khảo sát trực tiếp theo nhóm nhỏ (focus group), phỏng vấn 1-1,... Hoặc bạn cũng hoàn toàn có thể thu thập chúng một cách tự động thông qua các công cụ như HubSpot, Storyly,...
4. Influencers vẫn có sức ảnh hưởng lớn
Xu hướng tiếp thị hợp tác với influencers hay người có ảnh hưởng nhằm kết nối với khách hàng thông qua phương tiện truyền thông xã hội chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Việc hợp tác được với những người nổi tiếng có mức độ ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (macro-influencers) sẽ đảm bảo khả năng thành công cho một chiến dịch tiếp thị. Tuy nhiên, mức chi phí quá lớn đôi khi là một rào cản quá lớn mà nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện được.
Do đó, trong những năm trở lại đây, xu hướng hợp tác với những micro-influencers đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây là những người có trung bình khoảng 100.000 đến 1 triệu người theo dõi. Không chỉ tối ưu về mặt chi phí, thậm chí những bài đánh giá của các micro-influencers còn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nhiều hơn macro-influencers.
5. Trải nghiệm đa kênh (Omni-channel) ngày càng khẳng định được giá trị
Khách hàng sẽ tiếp tục tương tác với các thương hiệu giữ tạo ra những trải nghiệm nhất quán và liền mạch cho họ. Thật vậy, theo một báo cáo từ SoftTek, các công ty thực hiện chiến lược đa kênh Omni-channel có thể giữ chân được tới 89% khách hàng. Trong khi đó, những công ty có hệ thống omni-channel yếu hơn chỉ có khả năng giữ lại khoảng 33% khách hàng.
Trải nghiệm đa kênh là sự kết hợp giữa trải nghiệm trực tuyến và trực tiếp tại cửa hàng. Khách hàng thích mua sắm cả trực tuyến và tại các cửa hàng truyền thống. Nếu bạn có thể kết nối những trải nghiệm này với nhau thì về lâu dài, bạn sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn. Thực tế, trong nhiều trường hợp, khách hàng sau khi nhìn thấy quảng cáo trực tuyến về cửa hàng của bạn đã quyết định truy cập vào trang web của công ty để tìm hiểu. Tương tự, khi khách hàng vô tình truy cập vào một website ấn tượng, uy tín, nhiều khả năng họ sẽ tìm đến cửa hàng để trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ. Do đó, trên website của mình, bạn cũng cần đưa ra các ưu đãi hoặc chương trình thú vị nhằm khuyến khích người dùng ghé thăm cửa hàng. Tiếp đó, sau khi những khách hàng này tới cửa hàng để mua sắm, họ có thể nhận được các phiếu giảm giá khác có chứa một mã QR mà họ có thể quét bằng điện thoại thông minh của mình. Mã QR này khiến họ quay lại trang web của bạn để có thể tiếp tục mua hàng trực tuyến.
Vòng lặp trải nghiệm này chính là trải nghiệm đa kênh Omni-channel.
6. Chất lượng hơn số lượng
Hiện nay, người tiêu dùng sẽ không từ bỏ một thương hiệu và tìm đến thương hiệu khác chỉ vì một sản phẩm cụ thể. Thay vào đó, họ sẽ tìm đến những sản phẩm nhận được những đánh giá tích cực với chất lượng tốt nhất trong tầm giá họ có thể chi trả.
Do đó, bạn hoàn toàn có thể đưa ra các chương trình giảm giá hay chiến dịch tiếp thị gây sốc, nhưng đừng bao giờ từ bỏ chất lượng để hướng tới số lượng. Hãy cố gắng hết sức để đạt được sự cân bằng giữa hai yếu tố trên để thu hút khách hàng quay trở lại càng nhiều càng tốt.
7. Mua sắm trên điện thoại
Khách hàng ngày càng yêu thích việc mua sắm trên điện thoại. Theo một báo cáo từ SmartInsight, ngành thương mại di động (Mobile commerce) chiếm khoảng 6.5% trên tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 8.7% vào năm 2026 và chiếm tới 40% doanh số của ngành thương mại điện tử vào năm 2024.
Một trong những lý do cho sự gia tăng mức độ phổ biến của Thương mại điện tử di động tới từ sự phát triển của dịch vụ ví di động. Mọi người có thể dễ dàng và ngay lập tức sử dụng các giải pháp như Google Pay, Apple Pay và Amazon Pay để hoàn tất các đơn đặt hàng trên thiết bị di động mà không cần nhập tất cả các thông tin thanh toán rườm rà như trên website. Do đó, người tiêu dùng có thể mua hàng dễ dàng và thuận tiện hơn khi đang di chuyển hoặc khi ở nhà chỉ với thiết bị di động của mình.
Dễ thấy rằng, nếu bạn có thể tối ưu trải nghiệm mua sắm bằng điện thoại di động cho người dùng của mình, bạn có thể nhanh chóng thúc đẩy doanh số bán hàng ngay lập tức. Việc sở hữu một trang web được tối ưu cho điện thoại di động không chỉ giúp ích trong trải nghiệm mua hàng, nó còn giúp bạn tối ưu tốt hơn cho các công cụ tìm kiếm (SEO). Bên cạnh đó, một ứng dụng riêng được tối ưu tốt cũng là một cách tuyệt vời để tạo ra một lượng lớn khách hàng trung thành.
8. Nhu cầu về sự bền vững ngày càng tăng
Hơn bao giờ hết, người tiêu dùng ngày nhận thức và quan tâm đến các vấn đề môi trường cũng như trách nhiệm xã hội. Do đó, họ cũng mong muốn thương hiệu yêu thích của mình cũng hướng tới và chia sẻ những giá trị trên. Theo một báo cáo từ McKinsey, có khoảng 60% người tham gia khảo sát nói rằng họ muốn các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường. Và 78% tiết lộ rằng tính bền vững là yếu tố chính trong lối sống của họ.
Trong khi vẫn còn khá nhiều tranh cãi về việc liệu người tiêu dùng có thực sự yêu cầu các sản phẩm bền vững hay không, McKinsey và NielsenIQ đã cố gắng tìm hiểu về xu hướng này. Cuối cùng, họ phát hiện rằng các sản phẩm có tuyên bố gắn liền với vấn đề môi trường, xã hội sở hữu mức tăng trưởng ấn tượng với trung bình khoảng 28% trong vòng 5 năm. Và con số này cao hơn đáng kể so với các sản phẩm không gắn liền với các từ khóa trên.
Nếu doanh nghiệp của bạn có thể “nhảy” vào nhóm phát triển bền vững, điều này sẽ giúp bạn có được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng hơn, đồng thời giữ chân những khách hàng trung thành hiện tại.
Ngay cả khi, doanh nghiệp bạn sản xuất các sản phẩm bằng vật liệu, bao bì bền vững hay có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường thì một lời tuyên bố chẳng hạn như: “Sản phẩm của chúng tôi thân thiện với môi trường” sẽ có lợi cho hình ảnh của doanh nghiệp rất nhiều.
9. Người tiêu dùng ngày càng đề cao tiêu chí về sức khỏe và hạnh phúc
Không chỉ quan tâm nhiều hơn tới môi trường - xã hội, người tiêu dùng ngày nay còn chú ý tới các vấn đề về sức khỏe và cảm xúc của bản thân. Theo Accenture, khách hàng thời đại mới luôn tìm kiếm những cách tốt hơn để tự chăm sóc, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Thống kê cho thấy, doanh số liên quan tới các sản phẩm về chăm sóc sức khỏe đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt. Và nó có thể lên tới 10% mỗi năm trong những năm tới.
Ngay cả khi sản phẩm của bạn không thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bạn vẫn có thể tìm cách tận dụng đặc xu hướng hành vi này của người tiêu dùng. Ví dụ, một doanh nghiệp quảng bá ứng dụng theo dõi thời gian hoặc lên kế hoạch có thể thuyết phục khách hàng bằng cách đưa ra giải pháp sắp xếp thời gian để tập luyện, ăn uống hợp lý,... Một công ty bán các sản phẩm làm đẹp cũng có thể quảng cáo về các thành phần tự nhiên có trong sản phẩm của mình và trình bày chi tiết cách chúng giúp giữ cho làn da khỏe mạnh hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường.
10. Tiềm năng to lớn của AI và VR
Hai trong số những phát triển công nghệ lớn nhất trong những năm gần đây là trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR). Trong khi VR đã chứng kiến những đổi mới ấn tượng và đã được ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực giải trí và thương mại, thì AI đã chiếm lĩnh không gian trong các bản tin công nghệ ngày nay.
Sự xuất hiện của ChatGPT đã cho thấy AI đã trở nên mạnh mẽ như thế nào. Nó ngày càng có khả năng bắt chước con người và tái tạo khả năng của chúng ta trong mọi thứ, từ viết lách đến lập trình. Trong khi đó, VR cho phép doanh nghiệp tạo ra một số trải nghiệm ảo hấp dẫn nhất hiện nay. Hình ảnh và tương tác trở nên phức tạp và chân thực hơn trong không gian ảo.
Người ta cũng mong đợi rằng AI và VR cũng sẽ sớm hợp nhất. Nghệ thuật do AI tạo ra sẽ đi vào trải nghiệm thực tế ảo mà mọi người có thể tương tác ngoài hình ảnh đơn thuần. Do đó, nếu bạn có thể kết hợp trải nghiệm mua hàng với những xu hướng AI và VR thì khả năng phát triển của thương hiệu là gần như vô tận.
Trên đây là 10 xu hướng sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng trong nửa cuối 2023 và cả những năm tới. Bằng việc đảm bảo mình đã cập nhật và áp dụng chúng vào trong những chiến lược của doanh nghiệp sẽ giúp bạn không bao giờ tụt hậu so với các đối thủ khác trên thị trường.